Cattour

Điểm đến

Lịch sử nhà tù Côn Đảo – Những câu chuyện xúc động chưa từng được kể

06/11/2018

Ngày nay, nói đến Côn Đảo, người ta sẽ nghĩ ngay đến một địa điểm du lịch đẹp, với phong cảnh hữu tình, nên thơ với những resort hạng sang nổi tiếng Thế Giới.

Thế nhưng, Côn Đảo lại chỉ thực sự ghi dấu ấn với khách du lịch bằng những di tích lịch sử, trong đó Nhà tù Côn Đảo và những câu chuyện xúc động nhưng cũng không kém phần hào hùng liên quan đến di tích lịch sử này luôn là thứ khiến bất cứ ai khi đến với Côn Đảo đều phải “rưng rưng” xúc động.

Nhà tù Côn Đảo đã trải qua hơn một trăm năm lịch sử, với cực nhiều biến cố. Từng mét vuông, từng ngóc ngách, thậm chí từng ngọn cây, ngọn cỏ trong Nhà tù Côn Đảo đều thấm đấm máu xương, da thịt của những người tù Côn Đảo kiên trung.

>>> Xem thêm: Bảo tàng Côn Đảo - Nơi lưu giữ những minh chứng lịch sử hào hùng nhất của dân tộc

Hãy cùng Cattour khám phá lịch sử và những câu chuyện hào hùng về Nhà tù Côn Đảo nhé!

I. Lịch sử nhà tù Côn Đảo giai đoạn 1862 – 1954 (thời Pháp thuộc)

Vào những năm cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, tư bản Anh, Pháp bắt đầu dòm ngó các nước Phương Đông hòng xâm lược. Nhiều lần các công ty Đông Ấn thuộc Anh và công ty Đông Ấn thuộc Pháp cử người sang Côn Đảo điều tra, dò xét tình hình mọi mặt nhằm lên kế hoạch cho mưu đồ xâm lược.

Nhưng lúc bấy giờ thực dân Pháp có ưu thế hơn Anh tại Việt Nam, do đã cử nhà truyền giáo Pigneau De Behaine ( Bá- Đa -Lộc) sang phụ giúp Nguyễn Ánh. Được sự tin cậy của Nguyễn Ánh, Bá -Đa -Lộc đại diện triều đình Việt Nam sang Pháp kí hiệp ước Versailes ngày 28/11/1787, dưới triều vua Louis thứ XVI. Đó là văn kiện bán nước đầu tiên của nhà Nguyễn nhường cho Pháp cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn, nhưng nội tình nước Pháp lúc bấy giờ đang khủng hoảng rất nghiêm trọng, nên Hiệp ước Versailes tạm thời gác sang một bên.

Đến ngày 28/11/1861, lúc 10g sáng, bằng hành động đánh và chiếm Côn Đảo với một văn bản “ Tuyên Cáo Xâm Lượt” Côn đảo mất vào tay thực dân Pháp.

Tiếp đến 1/2/1862, Thống đốc Bô – Na ở Nam Kì ký nghị định thiết lập khu giam cầm tại Côn đảo. Trong khi đó 05/6/1862, thực dân Pháp mới chính thức đặt nền thông trị tại Côn Đảo ( tức ngày mùng 9 tháng 5, năm Nhâm Tuất), triều đình Tự Đức nhà Nguyễn kí hòa ước Nhâm Tuất nhường cho Pháp chủ quyền 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ: Biên Hòa – Gia Định – Định Tường và kể cả quần đảo Côn Lôn. Họ biến Côn Đảo làm nơi giam cầm đày ải tù chính trị và những người mà họ cho rằng là gây rối trật tự, an nình vì các nguyên nhân chủ yếu sau:

+ Côn đảo là một hòn đảo hoàng vắng nằm giữa biền khơi, ở đây tù nhân khó có phương tiện giao thông để vượt thoát, hơn nữa sự đấu tranh của người tù không gây được tiếng vang trước công luận, không tạo nên ảnh hưởng chính trị sâu rộng. bên cạnh đó bộ máy quản trị của nhà tù được toàn quyền đàn áp, hành hạ giết hại tù nhân mà không ai hay biết.

+ Người tù Côn Đảo bị cách ly hoàn toàn với gia đình, phòng trào đoàn thể mất hẳn mọi liên lạc với đất liền ( Nên họ nghĩ rằng hoạt động của người tù sẽ bị vô hiệu hóa ở đây).

Trong thời gian này (1863-1954) hệ thống nhà tù xây dựng gồm 4 Bagne ( Banh = trại giam) : Banh I, Banh II, Banh III, Banh III Phụ.

1. Banh I (Trại Phú Hải)

Trung tâm cải huấn Phú Hải – trại Phú Hải, đây là một trại giam lớn và cổ nhất của hệ thống nhà tù Côn Đảo, do Thực Dân Pháp cho xây dựng vào những năm cuối thế kỉ XIX.

Tên gọi đầu tiên là Banh I, sang thời Mỹ - Ngụy gọi là Lao 1 - Trại Công Hòa – Trại 2 và tên gọi cuối cùng là Trại Phú Hải ( sử dụng từ 11/1974).

Sau khi hiệp định Paris ký kết, trong âm mưu ém giấu tù chính trị không trao trả, địch cho đổi tên tất cả các trại giam ở Côn đảo, mỗi trại đều được ghép với chữ PHÚ và hệ thống nhà tù Côn Đảo trực thuộc trung Tâm cải Huấn Phú Hải.

Có thể nói trong tất cả các trại giam thì Trại này để lại nhiều về sự kiện lịch sử nhất.

Trại Phú Hải
Trại Phú Hải
 

Trước khi xây dựng một nhà ngục kiên cố như thế này ( Phú Hải) đầu tiên là phải nhắc đến một sự kiện đầu tiên.

Ngày 28/11/1861, Thực Dân Pháp chiếm đảo, sau đó 2 tháng Thống đốc Bonard ở Nam Kì ban hành nghị định thành lập khu giam cầm tại Côn Đảo, lập tức ở vị trí đó họ đã cho xây dựng lên một nhà ngục, nhưng tạm thời bằng vách đất mái tranh và 50 tù nhân đầu tiên có mức án từ 1 đến 10 năm tù bị đưa ra Côn Đảo giam tại đây vào đầu tháng 3 năm 1862. Sau đó 3 tháng vào đêm 28/6/1862 năm mươi tù nhân này đã kết hợp với hơn một trăm quan lính triều Nguyễn làm cuộc khởi nghĩa nỗi dậy đốt phá trại giam, đánh đuổi khoảng một chục tên cai ngục Pháp xuống một chiếc thuyền nhỏ về nước. Nhưng sau cuộc khởi nghĩa số nghĩa binh này không tìm được phương tiện về đất liên nênh hai tuần lễ sau Thực dân Pháp đã phái một thông hạm tên Nozazaray đến Côn Đảo tàn sát số nghĩa binh, họ giết chết hơn 100 người và bắt sống 20 tù nhân. Họ buộc 20 tù nhân này phải mang hơn 100 xác chết lên trên một đồi cát chôn chung một mồ sau đó chốn sống luôn 20 tù nhân đó ( nay là Di Tích Bãi Sọ Người).

Sau đó thực dân Pháp cho xây dựng một nhà ngục kiên cố với tổng diện tích là 12.015m2 có tường dày bao bọc bên ngoài.

Năm 1896 đã hòan tất bao gồm: 2 dãy khám giam được xây đối diện nhau. Thành hai dãy song song, phía cuối sân nối qua giữa hai dãy khám là 20 xà lim.

Ngoài ra cuối dãy bên trái còn có: Phòng Giam tù đặc biệt và Hầm Xay Lúa thời Pháp. Cuối khám dãy khám giam bên phải có Khu Đập Đá và khu nhà bếp.

Khu đập đá
Khu đập đá - Nơi cụ Phan Chu Trinh đã sáng tác bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn" nổi tiếng
 

Sang thời Mỹ ngụy cai trị Nhà Tù Côn Đảo, họ cho xây lên những công trình như: Nhà Nguyện, Nhà Ăn, Giang Đường, Câu Lạc Bộ, Phòng Hớt Tóc,…..những công trình này chỉ đề mỵ dân trá hình, đối phó dư luận mà thôi.

Nhà ăn được xây dựng 1963. Theo lời các Bác cựu tù Chính trị Côn Đảo kể lại rằng “từ khi xây dựng nhà ăn này, đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng, chúng tôi chưa một ai được đặt chân ra đây ăn bữa nào cả”.

Phòng giam đặc biệt là nơi giam giữ những tù nhân có án tử hình thời Pháp thuộc và những người có mức án nặng để đi lao dịch khổ sai trong hầm Xay Lúa như: Bác Tôn, Phạm Hùng, Ngô Gia Tự, Lê Văn Lương,…..

Khu đập đá: Nơi phạt những người Pháp cho là nguy hiểm không giám để cho đi lao dịch khổ sai sẽ phạt vào đây.

Và tại nơi đây 1908 Cụ Phan chu trinh sang tác bài thơ “Đập Đá côn Lôn”

“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Lừng lẫy làm cho lở núi non

Xách búa đánh tan năm bảy đống

Ra tay đập bể mấy trăm hòn

Tháng ngày càng trải thân sành sỏi

Mưa nắng chi sờn dạ sắt son

Những kẻ vá trời khi lỡ bước

Gian nan chi kể việc con con”

Nhà tù Côn đảo có rất nhiều xà lim (hầm đá), riêng trại Phú Hải này tới 20 xà lim nằm cuối sân, những thành phần tù mà địch cho là nguy hiểm, hoặc vượt ngục bị bắt lại sẽ cấm cố vào đây, mức nhẹ nhất là 2 tháng , có thể là 3 tháng, 6 tháng, hoặc từ năm này sang năm khác,…nếu bị giam lâu ngày tù nhân sẽ bị teo cơ, chổ da thịt cọ với thanh còng luôn bị rướm máu, lâu ngày sẽ bị chai.

Phòng giam đặc biệt - nơi người tù bị còng chân và phải chuyền tay nhau thùng đựng chất thải để đi vệ sinh
Phòng giam đặc biệt - nơi người tù bị còng chân và phải chuyền tay nhau thùng đựng chất thải để đi vệ sinh
 
Thùng đựng chất thải trong nhà tù Côn Đảo
Thùng đựng chất thải trong nhà tù Côn Đảo
 

Dù gian lao khổ cực và đau đớn nhưng những người tù vẫn lạc quan, yêu đời và hướng về quê hương tổ quốc.

Hiện nay, Khu xà lim này còn rất nhiều dấu tích ngày xưa, một trong những bài thơ còn sót lại của người tù tên Huỳnh Văn Chuẩn bị đưa vào hầm đá ngày 14/12/1958 là:

“Người cách mạng chịu nhiều gian khổ

Dẫu gian lao nhưng vẫn coi thường

Bền chí giữ vững lập trường

Vượt qua gian khó trên đường vinh quang”

Phòng 6: Còn gọi là Phòng Chết Điển Hình. Từ năm 1957 trở đi địch đã đàn áp những người tù rất nhiều, tù nhân được đưa vào phòng này phần lớn là cốt cán, và địch cho là “ chống đối”, do vậy tra tấn tù nhân và những người tù hy sinh phòng này rất nhiều, chính vì vậy gọi là “Phòng chết điển hình”.

Phòng 6 hay còn được gọi là "Phòng Chết Điển Hình"
Phòng 6 hay còn được gọi là "Phòng Chết Điển Hình"
 

Mỗi phòng giam tập thể như thế lúc cao điểm co thể giam giữ trên 200 người, người tù chen chúc lẫn nhau khi bị gong cùm. Khi đi vệ sinh phải đi vào 1 thùng gỗ, chuyền tay nhau thùng gỗ, những căn bệnh dịch tả và kiết lỵ luôn hoành hành thì người tù không thể nào chợp mắt, chuyền không kịp thùng gỗ phân bê bết ra ngoài,….

Có thể nói trại Phú hải là trại giam gắn liền trong suốt 113 " địa Ngục trần gian", khi thành lập nhà tù cho đến ngày giải phóng.

>>> Tư liệu hay nên tham khảo: Dinh chúa đảo Côn Đảo, 53 đời chúa đảo với 113 năm thiết lập "Địa ngục trần gian"

2. Banh II: Trại Phú Sơn

Sau khi chỉnh trang Banh I kiên cố 1896, thì 20 năm sau đó 1916 Banh II ra đời. Trại giam này nhìn trông đồ sộ hơn Banh I, Sở Tràng Tiền – một sở xây dựng nỗi tiếng lúc bấy giờ ra thiết kế.

Sang thời Mỹ - Ngụy đổi tên Trại Nhân Vị, Trại III. Sau khi hiệp định Paris kí kết gọi là Trại Phú Sơn ( sang thời Mỹ Ngụy họ đổi tên rất nhiều nhằm xáo trộn tất cả các trại giam, nhằm cho người tù khó liên lạc thông tin với nhau).

Trại Phú Tường
Trại Phú Tường
 

Năm 1928-1945, Banh II là nơi tù nhân mang án chính trị (cấm cố, phát lưu,..) thuộc các tổ chức cách mạng như: Việt Nam Thanh niên Cách Mạng Đồng chí Hội, Tân Việt Cách Mạng Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Đảng Cộng Sản, và một số người yêu nước dưới ảnh hưởng nhà yêu nước Nguyền An Ninh.... bị giam trại này.

Yêu cầu đặt ra trong giai đoạn này là đấu tranh đòi thực hiện chế độ tù chính trị, bảo vệ sinh mạng tù nhân và đặc biệt là rèn luyện cho cán bộ văn hóa lý luận chính trị, các đồng chí được đào tạo rèn luyện ở banh II như : Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Lương Khánh Thiện, Hà Huy Giáp,…

Dãy xà lim ( 14 xà lim) trong trại này nằm ẩn giữa hai bức tường nếu không để ý khó có thể phát hiện ra, tại đây như những phòng giam khác luôn có những câu chuyện cảm động trong tù, tôi xin kể một câu chuyện cảm động mà tôi từng gặp người thật việc thật.

Nhiều người từng biết bác Lê Quang Vịnh (nguyên là Trưởng ban Tôn giáo của Chính Phủ) là học sinh xuất sắc, từng đỗ đầu kỳ thi chuyên lý toàn miền Nam năm 1954, thủ khoa cử nhân Toán Đại học Sư phạm Sài Gòn năm 1960. Bác đã từ chối suất du học Mỹ của Quốc trưởng Bảo Đại. Nhưng câu chuyện tình lãng mạn và đầy chất thơ của người chiến sĩ trung kiên ấy thì ít người biết đến. Bác hoạt động cách mạng rất sớm và bị địch bắt giam ở Côn Đảo. Phòng giam của bác cạnh với phòng bác Trần Trọng Tân (nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương).

Chứng kiến Vịnh dũng cảm phản đối chào cờ, hát quốc ca ngụy, bác Tân rất quý cậu thanh niên này. Anh càng khâm phục hơn khi biết đó chính là người tử tù đã nói một câu nổi tiếng khi Tòa án Quân sự đặc biệt Sài Gòn kết tội mình: "Chúng tôi rất tiếc là chưa trừng trị được tên xâm lược Mỹ đầu sỏ ở Sài Gòn". Hai người đã trở thành bạn thân của nhau. Một lần cao hứng, bác Tân bảo Vịnh: “Mày khá lắm, nếu còn sống được đến ngày giải phóng có chịu làm em tao không? Tao có cô em gái tên Khánh xinh lắm”. Lúc ấy, ai cũng nghĩ đó chỉ là chuyện đùa.

Cuối năm 1970 để xoa dịu làn sóng đấu tranh khi phát hiện Chuồng Cọp Pháp đã bị phát hiện và dư luận lên án vào trung tuần tháng 7/1970. Chính quyền Mỹ - Ngụy đã cho mẹ của Người tử Tù Lê Quang Vịnh ra tận Côn đảo thăm người con của mình. Và món quà bà mang theo là một bộ đồ bà ba màu đen có thêu hai chữ "của Mạ".

Khu Chuồng Cọp
Khu Chuồng Cọp
 

Lúc bấy giờ Lê Quang Vịnh và Trần Trọng Tân (Phan Huy Vân) bị nhốt vào cùng một dãy xà lim tối của Trại III ( trại Phú Sơn). Khu này bao gồm 14 xà lim, Bác Vịnh bị nhốt xà lim cuối cùng số 14. Bác Tân bị còng ở xà lim số 12, nhưng hai người hoàn toàn không biết về điều đó.

Đêm đến xà lim tỏa hơi đá ra lạnh thấu xương người, những chiếc áo mộc mạc không thể nào xua tan cái lạnh buốt. Nằm trong xà lim tối, với cánh cửa sắt đen ngòm, lạnh lẽo, bác Vịnh nghe phòng đâu đó kề bên có tiếng ho sặt sụa về ban đêm, nhưng không biết đó là ai (bị nhốt trong xà lim là những người tù có mức án nặng, không được ra ngoài, không cho đổ thùng vệ sinh, không tắm giặt, chân bị còng tháng này qua tháng khác, năm này qua năm nọ,...), bác Vịnh nhờ một anh gác ngục có thiện cảm với người tù và nói rằng: "Nhờ anh chuyển dùm bộ đồ bà ba này sang phòng bên kia, phòng có người tù nào cứ mỗi tối đến là ho, có lẽ anh ta bị lạnh". Người gác ngục tốt bụng đã giúp bác điều đó.

Còn về phần bác Tân nhận được bộ đồ mà cũng không biết người tù nào đã tặng mình. Một buổi sáng của ngày hôm sau, ngoài trời những chiếc lá bàng xanh mướt đun đưa theo gió và một làn gió mạnh đi qua, có một chiếc lá bàng khe khẻ lướt nhẹ vào xà lim bác Tân, nhặt chiếc lá Bàng xanh lên tay, và bác tân đã khắc vào đó 4 câu thơ :

"Áo lọt xà lim áo tới đây

Ôm hôn áo mới nhớ câu này

Thương nhau cởi áo trao nhau mặc

Mẹ hỏi qua cầu áo gió bay"

Bác Tân cũng nhờ anh gác ngục tốt bụng hôm trước chuyển chiếc lá bàng có khắc 4 câu thơ vào đó như một lời cảm ơn cho người đã tặng áo cho mình.

Cầm đọc những câu thơ bác Vịnh xúc động vô cùng, bác nhớ về người mẹ, người chị, về quê hương của mình.

Ngày giải phòng cũng đã đến 1/5/1975. Tại nhà tù Đôn Đảo đã chấm dứt 113 năm " Địa Ngục Trần Gian", 7.448 người tù đã được trở về đất liền đoàn tụ với gia đình, với quê hương thân yêu.

Tháng 9/1975 Bác Vịnh đại diện cho đồng bào miền Nam ra thủ đô Hà Nội dự lễ Quốc Khánh. Và trong cuộc hội đàm đấy có một người đã đặt cho Bác Tân một câu hỏi : "Trong khi ở nhà tù Côn đảo anh có những kĩ niệm gì sâu sắc đáng nhớ, anh có thể kể lại cho mọi người cùng biết?"

Bác Tân trả lời :" Kĩ niệm đối với tôi rất nhiều, nhưng tôi không thể nào quên khi tôi bị nhốt trong xà lim trại III, có một người tù nào đó đã tặng tôi một bộ đồ bà ba, và tôi cũng đã hồi âm lai bằng 4 câu thơ trên chiếc lá bàng. Đến bây giờ tôi cũng không biết đó là ai, không biết người tặng áo cho tôi có ở trong hội trường này không?”.

Cả hôi trường im phăng phắt, và có một người đã đứng bật dậy và bước lên. Bác Tân và bác Vịnh hai người đã ôm chầm lấy nhau, tay bắt mặt mừng và khóc, những giọt nước mắt thật hạnh phúc.

Bác Tân nói " Bây giờ đến lúc tao phải thực hiện lời hứa trước kia với mày, mày có chịu làm em rể tao không?” -  bác Vịnh đã gật đầu.

Kết quả tình yêu đó cho đến ngày hôm nay. Bác Vịnh đã có hai người con, một nam, một nữ sống êm đềm và hạnh phúc. Người con trai bác tên Lê Quang Tự Do và người con gái tên Lê Quang Hạnh Phúc!

3. Banh III

Xây dựng 1928, sau 1954 cũng được chỉnh trang rất nhiều. Trại này có một câu chuyện trao áo cảm động vào thời Pháp.

Tại trại này, vào năm 1940, khi mà Bác Lê Duẩn bị giam chung phòng với bác Vũ Văn Hiếu, trong giây phút lâm chung Bác Hiếu thấy mình không qua khỏi cơn bạo bệnh, nên đã trút tấm áo trên mình của mình trao lại cho bác Duẩn và nói: "Chú khoác vào đi, tôi không có gì ngoài tấm áo này, tôi tặng lại bác để tiếp tục chiến đấu". Bác Duẩn không nhận nhưng bác Hiếu vẫn khoác lên mình bác Duẩn và đã hy sinh trong vòng tay ấm áp của ngưới bạn chung phòng.

Và trại này góp một phần cảm hứng cho nhà thơ Tố Hữu sau này sáng tác bài thơ " Ba mươi năm đời ta có Đảng"

"....Chết nằm xuống, còn hôn cờ Ðảng

Chết còn trao súng đạn, quên đau

Chết còn trút áo cho nhau

Miếng cơm dành để người sau ấm lòng...."

Và cũng qua bài thơ và câu chuyện này nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh đoạt giải thưởng ở cuộc thi Sáng tác tượng cho Nghĩa Trang hàng Dương sau ngày giải phóng.

4. Banh III phụ - Trại 4, xây dựng năm 1940

Trại giam này sang thời Mỹ Ngụy giam giữ nữ tù rất nhiều, trong đó có nguyên Phó chủ tịch nước và nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch là trương Mỹ Hoa và Võ Thị Thắng.

Đó là toàn bộ trại giam do Pháp xây dựng từ 1862-1954, 4 trại giam chính : banh 1 Banh II, Banh III, và Banh III phụ, toàn bộ trại giam này bằng đá hộc rất kiên cố, bên ngoài còn bao bọc bởi 1 bức tường đá cao 4 - 5m và nhiều trạm gác. Ngoài ra có 1 khu Chuồng Cọp Pháp, bao gồm 120 Chuồng Cọp và 60 phòng tắm nắng.

Cách mà địch thường tra tấn tù nhân ở Chuồng cọp là, không cho tù nhân đi đổ thùng vệ sinh hàng tháng trời, không cho tù nhân tắm giặt, thường xuyên rắc vối bột và dội nước từ lối đi bênh trên xuống, cho tù nhân lỡ loét da thịt. Đối với phụ nữ thường tra tấn bằng cách lợi dụng đặc điểm sinh lý phụ nữ không cho dội rữa, không cho tắm giặt,....

Khu phòng tắm nắng có 60 phòng nằm chung khu Chuồng cọp, trên không máy che, dưới nền cát nóng bỏng. Cách tra tấn thường xuyên nhất là lôi người tù ra phơi nắng phơi mưa, phơi sương, phơi gió,....và tra tấn "tứ trụ".

Nữ tù Côn Đảo đấu tranh - 1958 Chị Nguyễn Thị Bé - phản đối chế độ khốc liệt của Chuồng cọp chị đã dùng dao lam tự mỗ bụng mình, cắt 1 khúc ruột và quăng vào mặt tên đại úy Nguyễn Phúc Trân.

Ngoài ra, thời Pháp có những sở lao dịch khổ sai bố trí trên toàn Côn Đảo, vì người tù không những bị giam giữ mà con đi lao dịch khổ sai khắp cả Côn đảo, bình quân có 18 sở tù trên toàn Côn Đảo.

Khu biệt lập Chuồng Bò
Khu biệt lập Chuồng Bò
 

Sở lưới bắt tù nhân đánh bắt cá, vá lưới.

Sở vôi bắt tù nhân lặn hụp dưới biển hàng ngày mò lấy san hô đen về nung thành vôi bột, trộn với mật mía và bắt tù nhân đập đá xây nhà tù. Công việc cũng rất nặng nhọc vì 1 suất lao dịch khổ sai phải nặng gấp 4 - 5 lần suất lao động bình thường.

Có hai thành phần tù mà thực dân Pháp giam giữ là : Tù chính trị và tù thường phạm.

Từ năm 1908 - 1930, tù chính trị phần lớn là các sĩ phu yêu nước Việt Nam thuộc các phong trào cần Vương, Văn Thân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Văn Thân,....

Từ 1930 - 1945: Bên cạnh các chiến sĩ yêu nước còn có tù Quốc Dân Đảng và một số Đảng phái khác.

Thực dân pháp có mưu đồ rất thâm độc: "Dùng tù trị tù". Họ sử dụng những người tù thường phạm để đàn áp tù chính trị, nhưng kết quả thường ngược lại. Những người tù chính trị cảm hóa được tù thường phạm, sau này ra tù có nhiều người trở thành Đảng viện đảng Cộng Sản Việt Nam.

Cuối 1932 Chi bộ nhà tù Côn Đảo được tổ chức có các đồng chí: Nguyễn Hới, Tôn Đức Thắng, Tống Văn Trân, Phạn Thăng, Tạ Uyên,.....

Tháng 5/1933, có thêm các đồng chí bị đày ra Côn Đảo như: Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Ngô Gia Tự,.... Một ban lãnh đạo toàn đảo được hình thành với chủ trương chung là biến nhà tù thành "Trường học cách Mạng".

Bác Tôn Đức Thắng là người ở nhà tù Côn đảo lâu nhất trong số những nhà lãnh đạo nhà nước ta (trên 15 năm). Ngày 2/7/1930 bác bị đưa ra Côn Đảo đến 23/9/1945 bác được về đất liên khi Cách Mạng Tháng Tám thành công.

Thời Pháp nhiều hình thức tuyên truyền giác ngộ quần chúng được hình thành, các phong trái làm báo chuyền tay có tên như: Tù Nhân, Tiến Lên, Ý Kiến Chung,...cũng được hình thành. Các tờ báo này viết trên giấy hút thuốc, sau đó khoét rỗng vào 1 đầu đũa ăn, tới khi ăn cơm ngoài hành lang sẽ phát cho những người chủ chốt trong bàn ăn sau đó tối đến cùng nhau trao đổi thảo luận.

Riêng hoạt văn hóa văn nghệ cũng được phát triển trong các dịp lễ tết, điển hình là tết 1935 chi bộ nhà tù Côn Đảo đã diễn xuất sắc vỡ kịch Napoleon, với sự tham gia của các đồng chí Mười Cúc ( Nguyễn Văn Linh), Pham Văn Đồng, Nguyễn Kim Cương,... Những vở kịch diễn bằng tiếng Pháp, nói rất chuẩn đến nỗi những tên gác ngục Pháp còn dẫn cả vợ con đến xem và trầm trồ khen ngợi, sau đó ít đánh tù nhân hơn và trong cách xưng hô cũng bớt đi phần thô tục.

Câu lạc bộ - Nơi những người tù tập văn nghệ và giải trí
Câu lạc bộ - Nơi những người tù tập văn nghệ và giải trí
 

Việc vượt đảo trở về đất liền cũng được chi bộ quan tâm, với chủ trương chung là những đồng chí nào có mức án từ 15-20 năm hoặc tù chung thân mới nên vượt ngục.

Giai đoạn 1930-1936 có nhiều cuộc vượt ngục do tù chính trị tổ chức nhưng tỉ lệ thành công rất thấp, nhiều cuộc vượt ngục không thành công trong đó có các đồng chí Nguyễn Hới, Ngô Gia Tự, Lương Văn Tỵ,... bị mất tích giữa biển khơi.

Năm 1935, có các đồng chí vượt ngục thành công như: Tống văn Trân, Tạ Uyên, Nguyễn Hữu Tiến,.. vượt đảo thành công về đất liền liên lạc với Đảng, nhờ vậy sau Đại hội Đảng lần I/1935 chi bộ nhà tù Côn Đảo được xem là một chi bộ đặc biệt, chi bộ này trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi trong tù.

II. Lịch sử nhà tù Côn Đảo giai đoạn 1945 – 1954 (Đế quốc Mỹ)

Cách mạng Tháng Tám thành công, hơn 2000 tù chính trị đã nỗi dậy giành lấy chính quyền và được đón về đất liền tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến.

Niềm vui chiến thắng không bao lâu thì ngày 18/4/1946, thực dân Pháp tái chiếm Côn Đảo, lập lại nhà tù và chuyển một số lượng lớn tù nhân ra Côn Đảo. Sau lần tái chiếm này thực dân Pháp hung hãn hơn, họ phát triển nhiều biện pháp nhục hình đẫm máu để đàn áp cao trào đấu tranh của chiến sỹ cách mạng Việt Nam.

Họ bắt tù nhân làm việc nặng nhọc ở những nơi khí hậu khắc nghiệt, ăn uống đói khát, tình trạng vệ sinh vô cùng tồi tệ, trong thời gian này có hai căn bệnh tràn lan cả đảo không có thuốc chữa trị: Bệnh sốt rét và kiết lỵ.

Giai đoạn này tù nhân tử vong rất cao, trung bình mỗi ngày có từ 10-15 người tù chết vì bị trọng bệnh, kiệt sức, tai nạn lao động khổ sai và bị xử bắn.

Trong giai đoạn này Pháp đã đưa chị Võ Thị Sáu, người nữ tử tù chính trị đầu tiên và duy nhất ra xử bắn tại Côn Đảo (sang thời Mỹ - Ngụy 1985 trở đi thì hàng loạt nữ tù chính trị chuyển ra đảo).

Sau khi hiệp định Gionevo được kí kết 7/1954

Tháng 3/1955, thực dân Pháp bàn giao nhà tù Côn đảo cho Ngụy quyền Sài Gòn. Hải đảo Côn Lôn thành tỉnh Côn Sơn, sau đó ( 1957) có quyết định thành lập tỉnh Côn Sơn ( một tỉnh chỉ có duy nhất nhà tù và bộ máy cai trị tù, không có dân thường). Nhà tù Côn đảo trờ thành Trung Tâm Cải Huấn Côn Sơn - tên gọi của một trại giam lớn nhất Đông Dương cùng với chế độ giam giữ và lao dịch mới vô cùng tàn ác và tinh vi.

Ngoài 4 trại giam và một khu biệt lập Chuồng Cọp do thực dân Pháp cho xây dựng, từ 1962-1975 Mỹ Ngụy lần lượt cho xây thêm các trại: Trại 5, Trại 6, Trại 7, Trại 8, Trại 9.

Trại 6 - Sáu hiệp định Paris đổi tên thành trại Phú An.

Trại 8 – hay còn gọi là trại Phú Hưng

Trại 9 - đang xây dựng dở dang thì hiệp định Paris được kí kết nên bỏ dở.

Ngoài ra có 1 khu biệt lập chuồng bò được xây dựng vào năm 1930, kế đó là 24 phòng học nuôi heo. Sang thời Mỹ Ngụy sửa chữa 24 học nuôi heo thành 24 phòng giam.

Thời Mỹ - Ngụy, họ đã sữ dụng hệ thống nhà tù để giam cầm, truy bức, khủng bố, nhằm hủy diệt lý tưởng và ý chí đấu tranh của tù nhân bằng những nhục hình mang tính man rợ thời trung cổ kết hớp với tính tàn ác tinh vi của nền văn minh hiện đại nhưng cũng không thể nào đập tan lòng yêu nước cũng như ý chí kiên trung, bất khuất của những người tù chính trị Côn Đảo.

Cho đến ngày nay, Nhà tù Côn Đảo vẫn còn tồn tại như một bản án, một bằng chứng sống đối với tội ác của Thực dân Pháp và Đế Quốc Mỹ. Và hơn hết, nơi đây đã trở thành một bản hùng ca bi tráng để cho thế hệ đời sau luôn tưởng nhớ và biết ơn sự hi sinh của thế hệ cha anh đã một lòng đấu tranh anh dũng để bảo vệ  nền độc lập, tự do cho nước nhà.

Đi du lịch Côn Đảo, bạn hãy nhớ ghé thăm Nhà tù Côn Đảo và đến thắp hương cho hàng ngàn anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương nhé!

>>> Tham khảo các tour du lịch Côn Đảo để đến và tham quan di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo nổi tiếng

Cattour tự hào là nhà tổ chức các tour du lịch Côn Đảo hàng đầu tại Việt Nam!

Condaotrip.vn

Lan Nguyen / Cattour.vn - Ảnh: Internet


Xem thêm: nhà tù Côn Đảo nhà tù

Quay về trang trước Lên đầu trang

Tin cùng chuyên mục