Cattour

Điểm đến

Dinh Chúa đảo Côn Đảo, 53 đời Chúa Đảo với 113 năm thiết lập “địa ngục trần gian”

10/09/2018

Dinh Chúa Đảo Côn Đảo từng là nơi sinh sống của tổng cộng 53 đời Chúa Đảo, trong vòng 113 năm với biết bao giai đoạn thăng trầm, biến cố của lịch sử. Ngày nay, dinh Chúa Đảo được nhà nước trưng dụng làm nơi trưng bày các hiện vật, di tích lịch sử và văn hóa của người dân Côn Đảo.

I. Tìm hiểu về lịch sử Dinh Chúa Đảo Côn Đảo

Vào năm 1862, dinh Chúa Đảo được xây dựng để làm nơi sinh hoạt cho Chúa Đảo đầu tiên của Côn Đảo, đó là Đại úy hải quân Roussel, một binh tướng người Pháp được điều đến Côn Đảo để quản lý nhà tù.

Dinh Chúa Đảo được xây dựng trên một diện tích rất lớn, khoảng 18.600 m2 (hơn 5 mẫu), bao gồm một tòa nhà chính, các công trình phụ và sân vườn rộng tới 17.000 m2.

Dinh chúa đảo Côn Đảo là một căn nhà rộng lớn, nằm trên diện tích hơn mười tám ngàn mét vuông
Dinh chúa đảo Côn Đảo là một căn nhà rộng lớn, nằm trên diện tích hơn mười tám ngàn mét vuông
 

Dinh Chúa Đảo được xây theo kiểu kiến trúc xưa, với mái vòm uốn cong, bên trong là tổng hợp nhiều gian nhà ngang (nhiều phòng) như phòng ngủ, phòng bếp, phòng ăn..., tất cả đều phục vụ cho cuộc sống xa hoa, hưởng lạc của các Chúa Đảo lúc bấy giờ.

Toàn cảnh kiến trúc của dinh Chúa Đảo Côn Đảo
Toàn cảnh kiến trúc của dinh Chúa Đảo Côn Đảo
 

Đặc biệt, cổng chính của Dinh nhìn thẳng ra Cầu tàu 914, chiếc cầu duy nhất để người trên đảo ra tàu vào đất liền và những người từ đất liền lên Côn Đảo. Có thể nói, từ trong dinh, các Chúa Đảo có thể theo dõi sát sao tất cả các hoạt động quan trọng trên đảo Côn Lôn.

Trong suốt 113 năm là nơi ăn nghỉ, sinh hoạt của các đời Chúa Đảo, dinh Chúa Đảo đã chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử bi tráng, trong đó nổi bật nhất là sự kiện Chúa Đảo Angdua đã  bị chính những tù nhân tại nhà tù Côn Đảo sát hại ngay tại đây và cuộc sống thống khổ của hàng ngàn người tù phải lao động khổ sai để phục dịch cho cuộc sống của các Chúa Đảo.

Lối đi vào dinh Chúa Đảo
Lối đi vào dinh Chúa Đảo với hàng ngói thẳng tắp, hai bên là vườn cỏ xanh mướt như chứng tỏ độ xa hoa của Chúa Đảo
 
Dàn hoa giấy trước lối vào dinh thự Chúa Đảo
Dàn hoa giấy trước lối vào dinh thự Chúa Đảo
 
Dinh Chúa Đảo Côn Đảo
Vẻ đẹp của Dinh Chúa Đảo phải đổi bằng xương máu của những người tù khổ sai
 
 

II. Các đời Chúa Đảo Côn Đảo

Tổng cộng 53 đời Chúa Đảo Côn Đảo đều vô cùng tàn ác và tán tận lương tâm, trong đó có cả những chúa Đảo là người Pháp và cả người Việt Nam.

Thật không thể tin rằng, những Chúa Đảo người Việt Nam lại là một trong những Chúa Đảo tàn ác nhất trong lịch sử Côn Đảo, mà ở phần sau của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về sự tàn ác đó.

Danh sách 53 đời Chúa Đảo Côn Đảo:

Chúa đảo Năm cai trị
1. Đại úy hải quân Roussel 1862 – 1863
2. Đại úy hải quân Bizot 1863 – 1864
3. Trung úy hải quân Benoisi 1864 – 1866
4. Đại úy thủy quân lục chiến Boube 1866 – 1869
5. Đại úy hải quân Stiedel 1869 – 1870
6. Đại úy hải quân Claudot 1870 – 1871
7. Đại úy hải quân Gaudot 1871 – 1872
8. Đại úy thủy quân lục chiến Chevillet 1872 – 1874
9. Đại úy thủy quân lục chiến Symphoz 1874 – 1875
10. Quan chức hành chính Morine 1875 – 1876
11. Đại tá hải quân Pasquet De La Proue 1876 – 1877
12. Chánh văn phòng hải quân Disnematindorat 1877 – 1878
13. Quan chức hành chính Pasquet De La Broue 1878 – 1882
14. Quan chức hành chính Bocouet 1882 – 1884
15. Quan chức hành chính Caffort 1884 – 1887
16. Chánh văn phòng thư ký tổng hợp Sellier 1887 – 1890
17. Quan chức hành chính Rene 1890 – 1892
18. Chánh văn phòng hải quân đã nghỉ hưu Jacquet 1892 – 1896
19. Cử nhân luật Colberturgis 1896 – 1898
20. Quan chức hành chính Morizet 1898 – 1908
21. Quan chức hành chính Melaye 1908 – 1909
22. Quan chức hành chính Cudenet 1909 – 1913
23. Quan chức hành chính Degailland 1913 – 1914
24. Quan chức hành chính Oconet 1914 – 1916
25. Quan chức hành chính Royer 1916 – 1917
26. Quan chức hành chính Royer 1917 – 1919
27. Đại úy cảnh sát dự bị Andouart 1919 – 1927
28. Quan chức hành chính Bovier 1927 – 1934
29. Sỹ quan cảnh sát Cremazy 1934 - 1935
30. Quan chức hành chính Bovier 1935 - 1942
31. Đại úy hiến binh sen đầm Brouillonnet 1942 – 1943
32. Chánh văn phòng lục quân lê dương Tisseyre 1943  -1945
33. Giám thị trưởng Hilaire 1945
34. Quan chức hành chính Gimbert 1946
35. Đại úy quân đoàn viễn chinh lê dương Hornecker 1946 – 1947
36. Đại úy quân đoàn viễn chinh lê dương Bruce 1947 – 1948
37. Chánh văn phòng quân viễn chinh lê dương La Fosse 1948 – 1951
38. Chánh văn phòng quân viễn chinh lê dương Jarty 1951 – 1953
39. Chánh văn phòng lục quân chính quốc Blanck 1953 – 1955

Sau khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam, dưới chế độ Mỹ Ngụy, tiếp tục có 14 đời Chúa Đảo khác là người Việt Nam làm tay sai cho Mỹ và đàn áp dã man những người tù chính trị, cụ thể đó là 14 đời:

Chúa đảo Năm cai trị
Thiếu tá quân đội QGVN Bạch Văn Bốn 1955
Hánh chánh VN  Trần Văn Thiều 1955 – 1956
Đại úy bảo an NV Hồ Chí Thiền 1956 – 1957
Thiếu tá quân đội QGVN Bạch Văn Bốn 1957 – 1960
Thiếu tá quân đội VNCH Lê Văn Thể 1960 – 1963
Thiếu tá quân đội VNCH Tăng Tư Tự Sao 1963 – 1964
Thiếu tá quân đội VNCH Nguyễn Thế Tỵ 1964 – 1965
Thiếu tá quân đội VNCH Nguyễn Phát Đạt 1965
Thiếu tá quân đội VNCH Nguyễn Văn Vệ 1965
Thiếu tá quân đội VNCH Cao Minh Tiếp 1965 – 1971
Thiếu tá quân đội VNCH Đào Văn Phổ 1972 – 1973
Thiếu tá quân đội VNCH Nguyễn Văn Vệ 1973 – 1974
Thiếu tá quân đội VNCH Lâm Hữu Phương 1974 – 1975

 

Tất cả những Chúa Đảo ở trên, họ ra sức đàn áp người tù chính trị hòng lấy được lời khai và được thăng chức. Tuy nhiên, những âm mưu bẩn thỉu đó không thể thắng được sự quyết tâm và lòng yêu nước của hàng chục ngàn anh hùng cách mạng bền gan vững chí.

Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, Côn Đảo được giải phóng, khi đó mới chính thức kết thúc giai đoạn “Địa ngục trần gian” của những người tù Côn Đảo. Họ lần lượt lên tàu trở về đất liền từ chiếc cầu tàu 914.

III. Những đời Chúa Đảo Côn Đảo khét tiếng nhất lịch sử

1. Andouard từng được mệnh danh là “Tên đao phủ ở Côn Lôn”. Tên này chính vì sự dã man của mình đã bị chính những người tù Côn Đảo sát hại trong dinh Chúa Đảo vào năm 1919.

2. Bouvier làm chúa đảo trong những năm 1927-1942, đã giết hại 802 người tù từ 1930-1934.

3. Nguyễn Văn Vệ, tên Chúa Đảo đã thiết lập chế độ nhà tù nghiệt ngã nhất là chuồng cọp, dùng sào nhọn bịt đồng, dùng vôi bột, gậy gộc để đàn áp tù nhân, gây vụ “chuồng cọp Côn Đảo” 1970 làm chấn động dư luận trong và ngoài nước.   

Chân dung tên chúa đảo khét tiếng Nguyễn Văn Vệ
Chân dung tên chúa đảo khét tiếng Nguyễn Văn Vệ
 

Tội ác của tên Nguyễn Văn Vệ trong vụ “chuồng cọp” được một nhà báo Mỹ miêu tả như sau:

“Khoảng 500 người bị giam vào các “chuồng cọp”. Có những tu sĩ Phật giáo... Có nhiều phụ nữ từ 15 đến 70 tuổi, có những bà già mù mắt... Họ bị giam giữ chỉ vì đấu tranh cho hòa bình... Họ bị bỏ đói, bỏ khát, bị nhốt như những con vật trong các “chuồng cọp”...

Những cây sào bịt đồng và những thùng vôi bột đặt sẵn trên nóc “chuồng cọp”, sẵn sàng trấn áp tù nhân. Những người tù bị tê liệt vì cùm quá lâu, bị bỏ đói, bỏ khát, nhưng họ vẫn kiên cường đòi công lý.

Họ bị ngạt thở vì người ta tung vôi bột vào trừng phạt họ... Trong 7 tháng, họ chỉ được ăn rau có 3 lần. Nhiều người trong số đó bị còng lâu ngày đến mức không thể đứng lên bằng đôi chân của mình được... Đó là sự đối xử kinh khủng nhất đối với con người mà chúng tôi chưa bao giờ được thấy”.

IV. Các khu trưng bày trong dinh Chúa Đảo hiện nay

Sau giải phóng, Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo đã sử dụng ngôi nhà làm phòng trưng bày gồm 04 chủ đề:

  • Chủ đề 1 : Côn Đảo – đất nước – con người
  • Chủ đề 2 : Côn Đảo – địa ngục trần gian
  • Chủ đề 3 : Côn Đảo – trường học đấu tranh cách mạng
  • Chủ đề 4 : Côn Đảo – di tích lịch sử cách mạng hiện nay và trong lòng người dân Việt Nam

Ngoài 4 chủ đề phòng trưng bày còn trưng bày một chuyên đề ảnh về Nhà tù Côn Đảo từ năm 1908 đến 1916.

Với tổng số gần 700 hiện vật, hình ảnh trưng bày cũng phần nào truyền tải đến công chúng về bằng chứng đích thực của những hy sinh mất mát, bằng chứng về về tội ác của thực dân và đế quốc đã gây ra cho các thế hệ người Việt Nam yêu nước và các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù Côn Đảo.

Để có tài liệu hiện vật bổ sung cho kho hiện vật và phòng trưng bày, trong những năm qua Ban quản lý di tích lịch sử cách mạng Côn Đảo đã tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, ngành, nhất là Ban liên lạc Cựu tù chính trị Côn Đảo trong cả nước và với nhiều hình thức sưu tầm khác nhau đã sưu tầm được một số lượng lớn tư liệu hiện vật có giá trị . Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, đã sưu tầm được: 6.074 hồ sơ tù chính trị Côn Đảo qua các thời kỳ (trong đó có 4.774 hồ sơ có kèm ảnh chân dung); 266 hiện vật thể khối; 542 tư liệu ảnh và giấy.

Hãy đến và khám phá Dinh Chúa Đảo Côn Đảo bằng cách đặt tour đi Côn Đảo giá chỉ từ 3550k của Cattour ngay hôm nay!

Cattour tự hào là nhà tổ chức các tour du lịch Côn Đảo hàng đầu tại Việt Nam!

Condaotrip.vn

Lan Nguyen / Cattour.vn - Ảnh: Internet


Xem thêm: dinh chúa đảo địa ngục trần gian

Quay về trang trước Lên đầu trang

Tin cùng chuyên mục