Cattour

Kinh nghiệm

Kinh nghiệm du lịch Côn Đảo cực chi tiết với danh sách khách sạn, quán ăn được cập nhật mới nhất

23/08/2018

Nếu bạn muốn đi du lịch đến một nơi nào đó có phong cảnh tuyệt đẹp, không quá đông đúc, không lo bị chặt chém và luôn có cảm giác an toàn dù có ra đường vào giờ nào, ghé ăn những quán ăn không được review nổ trời trên mạng... thì Côn Đảo có lẽ là một địa điểm mà tôi nên gợi ý cho bạn.

Phong cảnh ở Côn Đảo thì khỏi phải bàn rồi. Là nơi cách xa đất liền tận 40 hải lý (hơn 90km tính từ điểm gần nhất ở Sóc Trăng) nên biển ở đây lúc nào cũng trong vắt không thua kém gì những khu biển nổi tiếng đẹp trên Thế Giới cả.

Ngoài biển ra, Côn Đảo cũng có thiên nhiên hoang sơ, những khu rừng già, những rặng san hô... vô cùng đẹp. Nói chung, nơi đây vừa thích hợp với những du khách muốn đi nghỉ dưỡng, cũng rất thú vị với những bạn trẻ yêu thích tự do và khám phá những điều mới lạ.

Còn về cảm giác an toàn, có thể nói rằng không nơi đâu ở Việt Nam lại cho ta cảm giác an toàn như khi đến với Côn Đảo. Khắp nơi trên đảo đều có bộ đội canh gác 24/24, người dân hiền lành, chất phác. Thêm nữa, Côn Đảo là nơi linh thiêng (linh thiêng thế nào thì các bạn nhỡ theo dõi hết bài viết này để rõ hơn nhé) nên không ai dám làm những việc khuất tất vì sợ bị trách phạt.

Bạn có thể thuê xe đi chơi rồi vứt cả xe, cả chìa khóa bên vệ đường, mấy hôm sau qua đó xe vẫn còn y nguyên. Thậm chí bạn đi đường bị rơi mất ví người ta cũng sẽ tìm cách trả lại cho bạn kỳ được thì thôi.

Có nhiều điểm cộng là thế, nhưng để ra được đến Côn Đảo và có một hành trình thật thú vị, bạn nên tham khảo trước kinh nghiệm du lịch Côn Đảo nhé. Tất cả những kinh nghiệm hữu ích nhất đã được tổng hợp lại ở phía dưới, mời các bạn cùng tham khảo!

I. Đi ra Côn Đảo bằng phương tiện nào?

Hiện tại các bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 phương tiện để đi ra Côn Đảo đó là máy bay và đi tàu biển (thực ra cũng có thể kết hợp cả hai phương tiện này nếu bạn ở miền Bắc và muốn tiết kiệm chi phí, nhưng đi như vậy thì rất mệt và cũng không tiết kiệm hơn bao nhiêu cả. Mình sẽ nói rõ hơn về cách đi kiểu này ở cuối bài viết nhé).

  1. Đi Côn Đảo bằng máy bay

a. Nếu bạn đi từ miền Bắc

Nếu các bạn đi từ miền Bắc, có thể chọn xuất phát từ Hà Nội (sân bay Nội Bài) hoặc Hải Phòng (sân bay Cát Bi), sau đó bay tới Cần Thơ hoặc TP HCM để đổi máy bay bay ra Côn Đảo.

Hiện nay chỉ có duy nhất Vietnam Airlines khai thác đường bay ra Côn Đảo thôi các bạn nhé (mình nói vậy để các bạn đỡ mất công tìm trên các hãng khác vì sẽ không thể tìm thấy đâu). Sau khi quá cảnh ở Sài Gòn hoặc Cần Thơ, các bạn sẽ lên máy bay của Vasco (hàng hàng không chuyên chở du khách ra hải đảo và các điểm ở miền Nam).

Vasco là loại máy bay bé, chỉ chở được khoảng 30 du khách/ chuyến nên rất hay bị cháy vé. Nếu các bạn có ý định đi Côn Đảo thì nên đặt vé trước ít nhất là 1 tháng để đảm bảo luôn còn vé nhé!

Máy bay Vasco
Máy bay Vasco sẽ đưa bạn từ sân bay Cần Thơ hoặc sân bay Tân Sơn Nhất bay thẳng ra sân bay Cỏ Ống ở Côn Đảo

b. Nếu bạn đi từ TP HCM hoặc Cần Thơ

Nếu xuất phát từ 2 địa điểm này thì chỉ cần bay thẳng ra Côn Đảo là được nhé. Thời gian bay khá ngắn, chỉ khoảng 45 phút đến 1 tiếng là đến nơi thôi.    

Lưu ý là mỗi ngày chỉ có 17 chuyến bay thẳng trực tiếp đến Côn Đảo thôi các bạn nhé!

  1. Đi Côn Đảo bằng tàu

Cách thứ hai để di chuyển tới Côn Đảo là đi bằng tàu. Bạn cũng sẽ chỉ chọn 1 trong 2 điểm : 1 là Vũng Tàu và 2 là từ Sóc Trăng để đi tàu ra Côn Đảo.

a. Nếu đi tàu từ Vũng Tàu

Các bạn đến cảng Cát Lở sau đó mua vé tàu Côn Đảo 9 hoặc Côn Đảo 10 để ra đảo.

  • Tàu Côn Đảo 09 có sức chứa khoảng 238 giường, là những phòng tập thể với khoảng 30 giường/phòng.
  • Tàu Côn Đảo 10 có sức chứa 140 giường. Mỗi phòng có từ 6 giường đến 10 giường.
Tàu Côn Đảo 10
Tàu Côn Đảo 10 ở bến cảng Cát Lở

Tàu xuất phát lúc 17h và khoảng 7h sáng hôm sau đến cảng Bến Đầm – Côn Đảo và ngược lại. Trên tàu có căn-tin nhỏ phục vụ các loại thức uống đóng chai, lon. Thức ăn chủ yếu là mì tôm và trứng gà luộc. Từ cảng bến Đầm đi vào trung tâm thị trấn Côn Sơn khoảng 12 km.

Giá vé: 350.000 đồng một lượt (khởi hành tại Vũng Tàu).

b. Nếu đi tàu từ Sóc Trăng

Nếu đi từ Sóc Trăng các bạn sẽ được đi tàu cao tốc Superdong để ra đảo nhé (tàu cao tốc đi cực nhanh, chỉ mất 2,5 tiếng là ra tới Côn Đảo, đi tàu cũng cực thích luôn vì có cảm giác bồng bềnh, những lúc gặp con sóng lớn tàu còn phi hẳn lên trên mặt nước một đoạn luôn).

Tàu Superdong ở Cảng Trần Đề
Tàu Superdong ở Cảng Trần Đề

Tàu Superdong có sức chứa 306 khách với lịch trình như sau:

* 8h00 từ Cảng Trần Đề(Sóc Trăng) → Cảng Bến Đầm(Côn Đảo).

* 13h00 từ Cảng Bến Đầm(Côn Đảo) → Cảng Trần Đề( Sóc Trăng).

II. Thời gian thích hợp để đi du lịch Côn Đảo

  1. Theo thời tiết

Thời gian thích hợp để đến đây là từ tháng 3 đến tháng 7 nhé, vì sau những tháng này thì là những tháng mưa, nên việc đi chơi cũng như tham quan cũng khá bất tiện. Thời tiết xấu tàu cũng có thể hủy chuyến đi bất kỳ lúc nào mà không cần báo trước. Rất nhiều du khách vì thời tiết xấu đã bị kẹt lại trên đảo, có trường hợp bị kẹt lại tới 2 tuần lận (yên tâm là nếu bị kẹt trên đảo bạn có thể xin ở nhờ nhà dân nhé).

  1. Theo thời điểm

Du khách đến Côn Đảo thường lựa chọn 3 thời điểm trong năm:

+ Đi viếng mộ vào đúng ngày giỗ Cô Sáu:

Ngày 23/1 là ngày Cô Sáu (chị Võ Thị Sáu) mất, thế nhưng ở Việt Nam mình lại lấy ngày âm lịch tức ngày 27/12 làm ngày giỗ Cô Sáu.

Mặc dù rất sát Tết Nguyên Đán nhưng hàng năm, vào ngày giỗ Cô Sáu, hàng ngàn người từ đất liền vẫn nườm nượp đổ về Côn Đảo để dâng lễ tưởng niệm người anh hùng Đất Đỏ.

>>> Đọc thêm: Tiểu sử chị Võ Thị Sáu - Tài liệu nên đọc để hiểu thêm về "Chị" trước khi ra viếng mộ

+ Đi tham dự lễ giỗ Bà Phi Yến:

Hàng năm, vào trung tuần tháng 10 âm lịch, nhân dân Côn Đảo lại long trọng tổ chức lễ giỗ Bà Phi Yến (thứ phi của chúa Nguyễn Ánh). Người dân ở đây xem bà Phi Yến như một vị thần phò trợ cho cuộc sống của họ. Lễ hội bắt đầu từ đêm 17/10 âm lịch.

Vào đêm này, Ban tổ chức Lễ giỗ bắt đầu bày cúng các loại hoa quả, xôi, chè và đãi khách thập phương. Người dân ở Côn Đảo cũng bắt đầu đến miếu để dâng lên những vật phẩm mộc mạc và thành tâm cầu xin những điều tốt lành, sau đó tham gia các hoạt động văn nghệ, vui chơi được tổ chức ở đây.

+ Đi nghỉ mát mùa hè:

Thường thường, du khách cũng hay chọn thời điểm từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm để tới Côn Đảo nghỉ mát, tuy nhiên lượng khách trong thời gian này thường rải đều chứ không đông đúc như thời điểm giỗ Cô Sáu nên các bạn cũng dễ dàng đặt vé máy bay/ vé tàu tới Côn Đảo hơn nhiều.

III. Nên chuẩn bị gì khi đi du lịch Côn Đảo

  1. Tư trang, hành lý                                                                                                                                                                                                          

Nên mang 1 quần dài (để đi viếng nghĩa trang) và 2 bộ ngắn, mũ nón thật sự cần thiết vì thời tiết khá nắng, dụng cụ sống ảo và lượng bin khổng lồ nhé (hầu như sử dụng đến nó rất nhiều vì phong cảnh quá chi là tuyệt vời.

  1. Đồ đi lễ

Đến Côn Đảo, bạn nên đi lễ mộ Cô Sáu và mộ của các anh hùng liệt sĩ  tại nghĩa trang Hàng Dương.

Đồ lễ cúng bao gồm 2 bộ:

+ Đồ lễ Cô Sáu:

Danh sách 7 lễ vật cúng cô Sáu du khách cần nhớ bao gồm 1 nón lá, 1 sấp giấy tiền vàng bạc tổng hợp, 1 bộ lược gương, 1 sấp các thỏi vàng, 1 chai nước suối, 1 bó nhang và quan trọng nhất là 1 bó hoa trắng. Cô Sáu rất thích hoa trắng nên tuyệt đối đừng quên món đồ cúng này.

Ngoài ra, bạn có thể đặt mua cả áo dài mã chất liệu bằng gấm, đôi hài thêu hay bộ đồ bà ba để lễ cô. Tùy điều kiện và hoàn cảnh, bạn có thể lựa chọn thêm những món đồ lễ đặc sắc khác để tỏ lòng thành kính với Cô. Khi sắp sếp đồ lễ, các bạn để ngửa nón lá lên, sau đó bày tất cả đồ cúng vào lòng nón lá, rồi đặt lên mộ Cô Sáu hoặc làm theo hướng dẫn của ban quản lý Nghĩa trang.

Thời gian viếng mộ cô là vào giờ Tý (sau 23h đêm). Theo người dân Côn Đảo, đó là khung giờ linh thiêng, thành tâm đi lễ vào thời điểm đó ước nguyện sẽ dễ thành hiện thực, cô Sáu sẽ phù hộ cầu gì được nấy.

+ Đồ lễ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương:

Đồ lễ cho các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương thì đơn giản hơn, chỉ cần 1 bó nhang, hoa tươi, quần áo bộ đội, tiền vàng... (nếu bạn mua đồ lễ ở Côn Đảo người bán hàng sẽ sắp lễ luôn cho bạn).

IV. Di chuyển bằng gì khi ở Côn Đảo

Trên Côn Đảo không có taxi nên phương tiện di chuyển tốt nhất là xe máy hoặc xe điện.

- Xe điện: 40k 1 lượt về trung tâm thị trấn Côn Sơn (họ có bán vé khi bạn đang đi trên tàu hoặc tới cảng cũng có)

- Xe máy: Giá thuê xe máy 1 ngày dao động từ 100-150k. Trên đảo có 2 cây xăng là ngay cảng Bến Đầm ( nơi vừa xuống tàu) và 1 cây trong Thị Trấn Côn Sơn.

V. Những địa điểm tham quan, vui chơi ở Côn Đảo

  1. Các nhà tù Côn Đảo và nhà chúa Đảo

Các nhà tù ở Côn Đảo bao gồm Chuồng Cọp, Chuồng Bò, Trại Phú Hải, Trại Phú Hưng, Cầu tàu 914, Sở Lò Vôi, Sở Muối...

Giá vé 40k cho 1 người tham quan các nhà tù chính ở đây, và mình có 2 lời khuyên cho các bạn là:

+ Nên đi vào chiều mát và đeo thêm mũ

+ Nhập và đi chung với các doàn để được nghe những câu chuyện thực tế và những lịch sử hào hùng cũng như sự tàn ác của Pháp và Mĩ đối với các tù nhân.

Nhà tù Phú Quốc
Nhà tù Phú Quốc
Trại giam Phù Bình trong hệ thống nhà tù Phú Quốc
Trại giam Phù Bình trong hệ thống nhà tù Phú Quốc
Trại giam Phú Hải
Trại giam Phú Hải
  1. Nghĩa trang Hàng Dương

Tới nghĩa trang Hàng Dương để thắp hương tưởng niệm hơn 1000 anh hùng liệt sỹ, trong đó có mộ nhà yêu nước Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, mộ Cô Sáu...

 Đêm càng khuya, Nghĩa trang Hàng Dương càng đông người, toàn bộ Nghĩa trang Hàng Dương rộng chừng 20 ha ánh đèn điện mờ ảo, người đi viếng chật kín các khu mộ và khói hương nghi ngút. Người viếng tập trung đông nhất đặc biệt Khu B2 (485 ngôi mộ) – nơi đây có mộ của anh hùng Võ Thị Sáu.

Tại khu vực mộ của cô Võ Thị Sáu, người viếng tập trung đông kín nhưng không ồn ào, không chen lấn và trên gương mặt mọi người đều tỏ rõ một niềm thầm kính tôn nghiêm. Từng đoàn người tự giác, sắp hàng và lần lượt vào thắp hương viếng cô Sáu.

Trên phần mộ của người nữ anh hùng, một bát hương lớn luôn nghi ngút khói và hoa tươi, trái cây, giấy cúng, tất cả những gì người dân mang đến đều được bày cúng trang trọng. Người dân ở đây nói rằng cần gì cầu gì, chỉ cần đến thắp hương cầu Cô Sáu mọi việc sẽ được viên mãn. Có lẽ cũng vì sự linh thiêng này ai ai cũng đều mong muốn được đến với Cô Sáu một để mong cầu cho cuộc sống được bình an, được buôn may bán đắt.

Trên mỗi ngôi mộ liệt sĩ nơi đây đều được cắm những cây hương đang cháy và đặt một bông hoa tươi và có một ngọn đèn nhỏ như nến để làm cho nghĩa trang Hàng Dương trở nên lấp lánh hơn bao giờ hết. Từng hàng mộ nằm im lìm dưới ánh đèn bảo vệ của nghĩa trang, trên từng mộ những cây hương tỏa khói chập chờn huyền ảo trong đêm. Nghĩa trang Hàng Dương trong đêm rộng lớn kỳ bí một bức tranh huyền ảo, lung linh giữa đêm Côn Đảo tâm linh!

Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo
Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo

Cuộc sống ban ngày vẫn luôn nhộn nhịp. Nhưng đêm xuống, cũng chính là khoảnh khắc tĩnh lặng trong lòng người của mỗi vị khách đặt chân tới vùng đất Côn Đảo linh thiêng này. Những cụm đèn khắp nơi tỏa sáng trước mỗi ngôi mộ, những nén nhang cháy đỏ khói hương nghi ngút.

Tiếng nhạc trầm trầm, dịu nhẹ phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác hòa cùng tiếng sóng đâu đó và tiếng gió vút qua những cành dương như một bản hòa tấu ru giấc ngủ ngàn đời của các anh hùng, liệt sĩ, những người con yêu nước nằm lại nơi này. Ngày qua ngày không khí tại Nghĩa Trang Hàng Dương không hề có vẻ u uất thường thấy ở những nơi khác mà thay vào đó là một cảm giác ấm cúng trong lòng người đi viếng mộ. Giữa chốn linh thiêng, ai cũng đi nhẹ, nói khẽ, lắng lòng….

  1. Chùa Núi Một

Chùa Núi Một hay còn gọi là Vân Sơn Tự, tọa lạc giữa lưng chừng núi Một, cách trung tâm thị trấn Côn Sơn, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu khoảng 1.6km. Chùa được xây dựng dưới thời Mỹ ngụy năm 1964, nhằm phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho các gia đình những người làm việc trong bộ máy hành chính, các quan chức binh sỹ sinh sống trên đảo. Ngoài ra, việc xây dựng chùa còn có mục đích dùng để che mắt dư luận quốc tế, báo chí về hệ thống cai trị tù nhân tàn bạo, khốc liệt dưới chế độ Mỹ ngụy thời bấy giờ.

Chùa Núi Một Côn Đảo
Chùa Núi Một Côn Đảo
  1. Miếu Bà Phi Yến

Miếu Bà Phi Yến (An Sơn Miếu) được xây dựng từ năm 1785 để thờ Bà Phi Yến – vợ của chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long).

Năm 1783, Nguyễn Ánh bôn đào ra Côn Đảo để tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn. Vì thất bại liên tục nên ông đưa hoàng tử Hội An (có tên tục là hoàng tử Cải) tháp tùng cùng Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện. Bà Phi Yên ngỏ lời khuyên Nguyễn Ánh rằng: “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau…”

Chỉ mấy điều khuyên can ấy mà chúa Nguyễn Ánh nổi trận lôi đình, nghi bà Phi Yến có ẩn ý thông đồng với quân Tây Sơn. Nếu không có các quan cận thần hết lời xin giảm án cho bà, ắt bà không thoát khỏi tội chém đầu. Tuy nhiên, Nguyễn Ánh vẫn truyền lệnh giam cầm bà vào một hang đá trên hòn đảo hoang vắng nằm về phía Tây Nam của quần đảo Côn Đảo (Hòn Bà ngày nay).

Vừa truyền lệnh giam cầm Thứ phi Phi Yến xong thì Nguyễn Ánh được tin quân Tây Sơn sắp ra đến Côn Đảo, ông liền cùng đoàn tùy tùng xuống thuyền chạy tiếp. Lúc bấy giờ đứa con duy nhất của bà Phi Yến cùng với chúa Nguyễn Ánh là hoàng tử Hội An (5 tuổi) khóc lóc đòi mẹ bị Nguyễn Ánh ném xuống biễn, xác trôi tấp vào làng Cỏ Ống. Ngày nay, tại làng cỏ ống còn ngôi mộ và miếu thờ hoàng tử Hội An (Thiếu Gia Miếu).

Theo truyền thuyết dân gian kể lại, bà Phi Yến đã được hai con vật rất khôn ngoan, trung thành cứu sống, đó là vượn bạch và hắc hổ. Chúng đưa bà đến làng Cỏ Ống nơi có nấm mộ hoàng tử Hội An. Dân làng Cỏ Ống hay tin đã dựng cho bà một ngôi nhà ở gần đó để tiện bề lui tới bên nấm mộ của con trai mình.

Tháng 10 (Âm Lịch) năm 1785, làng An Hải (nơi có ngôi An Sơn Miếu ngày nay) tổ chức hội làm chay tế lễ trong làng. Họ rước bà Phi Yến đến tham dự cho thêm phần long trọng. Đêm hôm ấy, tại làng An Hải bà đã bị tên Biện Thi (một tên đồ tể) lén vào cấm phòng của bà giở trò sàm sỡ, song Biện Thi chỉ vừa nắm được tay bà thì bà đã kịp tri hô cho dân làng bắt giam chờ xét xử. Cũng đêm hôm ấy bà Phi Yến đã liều mình tự tử để được vẹn toàn danh tiết.

Số phận đã an bà cho bà Thứ phi Phi Yến yên nghỉ tại làng An Hải, dân làng đã lo việc tống táng và lập miếu thờ bà - người phụ nữ “Trung trinh tiết liệt”. Hàng năm, cứ vào ngày 18 tháng 10 (Âm Lịch), người dân Côn Đảo đều tổ chức lễ giỗ bà rất long trọng và thường là làm cỗ chay để tưởng nhớ cũng vì một hội làm chay mà bà phải bỏ mình.

Miếu Bà Phi Yến
Miếu Bà Phi Yến

Đối với những người dân đảo, ngôi miếu rất linh thiêng, gắn liền với câu chuyện bi thương của người phụ nữ tài sắc, đức hạnh và giàu lòng yêu nước. Sau khi Bà mất, nhân dân trên đảo thương tiếc đã lập miếu thờ. Năm 1861, sau khi chiếm đảo, thực dân Pháp đã quyết định di toàn bộ dân vào đất liền để xây dựng nhà tù nên ngôi miếu dần bị đổ nát. Đến năm 19581 nhân dân trên đảo đã xây dựng lại ngôi miếu khang trang trên nền ngôi miếu cũ và thờ tự cho đến ngày nay.

  1. Bãi Đầm Trầu

Bãi Đầm Trầu là bãi biển đẹp nhất trên quần đảo Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Bãi Đầm Trầu nằm gần sân bay Cỏ Ống, ở rìa ngoài Vườn quốc gia Côn Đảo và cách thị trấn Côn Đảo khoảng 14 km.

Bãi biển Đầm Trầu
Bãi biển Đầm Trầu
  1. Hòn Bảy Cạnh

Hòn Bảy Cạnh là hòn đảo lớn thứ 2 trong quần đảo Côn Đảo. Trên đảo có khu bảo tồn rùa Biển lớn nhất Việt Nam và hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều loài động vật quý như các loài trai, ốc, hải sâm, cá sống trong rạn san hô, rùa biển, cỏ biển, rong biển…

Bãi biển trong vắt trên Hòn Bảy Cạnh
Bãi biển trong vắt trên Hòn Bảy Cạnh
  1. Bãi Đầm Tre

Vịnh Đầm Tre cách trung tâm thị trấn Côn Sơn khoảng 17km theo phía Bắc. Từ Cầu Tàu 914, di chuyển theo hướng về sân bay Cỏ Ống khoảng 12km, bạn sẽ thấy biển chỉ dẫn tay phải vịnh Đầm Tre 5km. Bạn đừng đi vào tay phải vì ngõ cụt, cũng đừng rẽ trái qua sân bay mà hãy quay ngược lại khoảng vài chục mét, bên tay trái có đường mòn đất đỏ dẫn xuống bãi biển Dong. Từ bãi Dong, bạn đi thẳng theo đường biển về hướng Bắc.

Vịnh Đầm Tre có thể đi trong ngày hoặc ở lại qua đêm nếu bạn muốn. Việc cắm trại qua đêm phải thông báo với trạm bộ đội biên phòng. Rừng có lá khô nhiều, không nên hút thuốc lá hoặc đốt lửa, tránh gây cháy rừng.

Thời tiết ở vịnh Đầm Tre khá nắng nóng, các bạn nên mặc áo dài tay. Khi đi, nhớ mang nước và đồ ăn nhẹ.

Đi hết bãi biển, nhìn về hướng rừng, núi bên tay trái - nơi có con suối nhỏ chạy ra biển, đi vào một đoạn, bạn sẽ thấy đường mòn chỉ dẫn đi vịnh Đầm Tre 3km nữa. Đường ra vịnh rất dễ đi với một lối mòn duy nhất. Tuy nhiên, đường khá vắng và hoang vu, quang cảnh tĩnh lặng đến đáng sợ. Trong hành trình của mình, có lúc bạn sẽ gặp cả bầy khỉ hú hét xông đến như muốn tuyên bố lãnh thổ của chúng. Khi đó, hãy giữ bình tĩnh và đừng có động thái chọc giận chúng.

Đường đi vịnh Đầm Tre không có trên bản đồ. Do đó, bạn cần hỏi dân địa phương chỉ dẫn cụ thể hoặc nhờ các anh bộ đội hướng dẫn. Trước khi đi, bạn nên kiểm tra tình hình thủy triều lên, xuống. Bạn phải đợi thủy triều rút rồi hãy đi và về, nếu bạn không kiểm tra kỹ, nhiều đoạn bờ biển bị nước biển dâng ngập không qua được.

Vịnh Đầm Tre
Vịnh Đầm Tre rất đẹp nhưng cũng rất hoang sơ và hơi khó đi đến. Bạn nên hỏi người dân địa phương hoặc các chú bộ đội để biết đường đi một cách dễ dàng và an toàn nhất nhé!

Thời tiết ở đây khá nóng, đặc biệt nếu đi vào buổi trưa khi thủy triều rút, rừng rất hanh, nóng nực và sẽ khiến bạn mất sức, bạn nên mặc nhẹ nhàng, áo dài tay để tránh nắng, nóng.

Bạn nên đi theo nhóm để có nhiều trải nghiệm vui hơn, tránh đi một mình vào rừng nguy hiểm. Khi đi nhớ mang nước và đồ ăn nhẹ.

Vịnh Đầm Tre chỉ là một vịnh biển nhỏ, trên vịnh có đồn lưu trú của bộ đội. Phong cảnh nơi đây rất đẹp, yên tĩnh và hoang sơ. Nơi đây chẳng có dịch vụ gì, ngoài vẻ đẹp của tự nhiên ban tặng, đồn lưu trú bộ đội, cảnh rừng núi hùng vĩ, con thuyền neo bến, xa xa hòn Trứng thấp thoáng bé như đầu ngón tay.

Đến đây, các bạn có thể tắm biển gần bờ, chèo thuyền xung quanh vịnh để tham quan, thưởng ngoạn phong cảnh, lặn biển ngắm san hô, lên các tảng đá lớn nằm thư giãn và chụp ảnh, cắm trại qua đêm, ngắm bình minh rực rỡ mỗi sớm mai...

Trên đường ra vịnh, bạn sẽ được thiết đãi cảnh rừng hoang vu; Những đàn khỉ hú hét, loài sóc đen quý hiếm nhảy nhót tung tăng hay tiếng chim rừng cất tiếng hót lảnh lót. Trên đường đi, bạn cũng sẽ được ngắm nhiều loại lan rừng khoe sắc, dưới đất những cây nấm mọc to hơn cả bàn tay người lớn... Trên đường về, nếu có thời gian, đừng bỏ qua bãi Dong lúc đầu đi qua, địa danh này chắc chắn sẽ níu chân bạn lại với nhiều cảnh đẹp...

  1. Bảo tàng Côn Đảo

Bảo tàng Côn Đảo nằm đối diện với Di tích lịch sử Cầu Tàu 914. Trước ngày giải phóng nhà Bảo tàng chích là nhà chúa đảo, được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng hai héc ta.Trước kia, đây là nơi làm việc của 53 đời chúa đảo, khét tiếng tàn ác, nơi tập trung cao nhất quyền lực trên đảo, cả về hành chính, tư pháp và quân sự. Ngày nay nhà chúa đảo đã được sử dụng là nhà bảo tàng Côn Đảo.

Bảo tàng Côn Đảo
Bảo tàng Côn Đảo là nơi lưu giữ rất nhiều chứng tích lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ta
  1. Đền thờ Côn Đảo

Đền thờ Côn Đảo được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có chủ trương xây dựng từ năm 2008 để tưởng niệm, ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, tại Côn Đảo; đồng thời nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Cách mạng Côn Đảo.

Đền thờ Côn Đảo
Đền thờ Côn Đảo được xây dựng rất khang trang

Đền thờ tọa lạc trên diện tích gần 30.000m2 phía trước nghĩa trang Hàng Dương. Công trình có mức đầu tư gần 100 tỷ đồng được tài trợ bởi nhiều doanh nhiệp trong cả nước.

  1. Chợ đêm Côn Đảo

Chợ đêm Côn Đảo được quy hoạch trên đoạn đường Nguyễn An Ninh - Trần Huy Liệu, hoạt động từ 17h30 đến 24h hàng ngày, gồm các hàng lưu niệm, khu bán hàng ăn, giải khát, hải sản và trái cây.

Các món ăn chế biến khá đơn giản nhưng vẫn mang nét riêng, hải sản tươi ngon. Các gian hàng còn phục vụ nhiều loại rượu ngâm. Giá cả lại rẻ, không chặt chém nên được rất nhiều du khách ghé thăm mỗi khi đi lễ tại nghĩa trang Hàng Dương về.

  1. Mũi Cá Mập

Mũi Cá Mập  Côn Đảo từ lâu đã được biết đến là biểu tượng của thiên nhiên tự nhiên vừa hoang sơ vừa hài hòa chỉ có tại Côn Đảo. Phong cảnh thiên nhiên tại Mũi Cá Mập lúc nào cũng đẹp, cũng hòa hợp giữa bờ biển tuyệt vời và những vách đá cao dựng đứng.

Còn gì tuyệt vời hơn thế nữa khi cùng những người thân của mình trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên trên bờ biển cát trắng mịn màng rất đỗi nên thơ trữ tình. Không những thế, đến với Mũi Cá Mập Côn Đảo sẽ mang đến cho bạn nhiều điều thú vị.

Mũi Cá Mập Côn Đảo
Mũi Cá Mập Côn Đảo
  1. Bãi Nhát

Đến với bãi Nhát bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bãi cát rộng mênh mông và rất trong sạch. Nơi đây còn có bãi đá đen được sóng biển mài cho nhẵn thín và tròn bóng bẩy y như đã từng được trải qua bàn tay của các nghệ nhân. Mọi thứ nơi đây đều mang một vẻ hết sức tự nhiên, hoàn toàn có thể khiến con mắt bạn bị chinh phục.

Bãi Nhát Côn Đảo
Bãi Nhát là một trong những bãi tắm hoang sơ và đẹp nhất ở Côn Đảo
  1. Miếu Năm Cô

Miếu 5 cô còn được biết đến với tên gọi miếu ngũ hành Côn Đảo, được xây dựng năm 1970. Miếu được người dân Côn Đảo xây dựng và đặt tên là Miếu Ngũ Hành, được lập ra để thờ 5 vị nữ thần, cai quản 5 nghề liên quan gồm (Kim: kim khí, Mộc: cây gỗ, Thủy: nước nôi, Hỏa: củi lửa, Thổ: đất đai) nên còn có tên gọi khác là miếu 5 cô.

Miếu được người dân Côn Đảo lập nên với hi vọng các vị nữ thần chở che, phù hộ cho nhân dân, những người nông dân, ngư dân, thợ cơ khí,… được bình an sinh sống, làm ăn. Vì vậy ngôi miếu mang một ý nghĩa tâm linh quan trọng trong lòng người dân Côn Đảo, thường xuyên được thăm viếng và trùng tu hàng năm.

  1. Đỉnh Thánh Giá

Núi Thánh Giá là một ngọn núi cao nhất Côn Đảo, với những truyền thuyết nổi tiếng về tình yêu. Tương truyền rằng những cặp đôi nào đứng trên đỉnh núi và nắm tay nhau nhìn mặt trời lặn sẽ được bên nhau trọn đời.

Nằm ở khu vực phía Tây Nam đảo Côn Sơn. Từ Thị trấn Côn Sơn đến chân núi khoảng 3 km và lên đỉnh núi khoảng 6 km. Tổng diện tích khu vực khoảng 2 ha.

Người dân địa phương nói rằng, lên được đỉnh núi Thánh Giá là có thể ngắm nhìn toàn cảnh hòn đảo này trong tầm mắt. Nhưng thực tế lại rất ít người đặt chân được lên đó bởi dốc đứng ngút ngàn, trơn trượt, hiểm nguy, quanh năm sương giăng mờ ảo. Vậy mà những người lính radar Trạm 590, thuộc Trung đoàn ra đa 251 (Vùng 2 Hải quân) vẫn hằng ngày lên, xuống làm nhiệm vụ trên “đỉnh mờ sương”, dõi “mắt thần” bảo vệ biển trời Tổ quốc.

  1. Hang Đức Mẹ

Côn Đảo có Hang Đá Đức Mẹ trên núi khá cao đã có gần 80 năm lịch sử. Đường lên núi ghập ghềnh đá khó đặt bước chân, phải bám từng bước mà leo. Khá vất vả và ướt đẫm mồ hôi để lên đến Hang đá.

Theo lời kể ngày xưa nơi đây nhiều người đến hành hương, vẫn thường có kiệu tượng Đức Mẹ. Sau 1975, tượng bị phá bỏ, nơi đây bị quên lãng hơn 20 năm. Đến năm 1997, sau hai tháng dọn dẹp mới có lối đi lên, một mặt bằng nhỏ trước hang đá. Bà con giáo dân đặt tượng mới.Từ đó nơi Hang Đá Đức Mẹ Côn Lôn, hàng ngày có người lên viếng Mẹ dâng lời kinh hạt. Những ngư dân thường lên kính viếng và cầu nguyện. Những ngư dân đi đánh cá xa từ Phú Yên Bình Định, từ Vinh Tân Thanh Xuân vùng Lagi, Thanh Hải Phú Hài vùng Phan Thiết thường vào Bến Đầm tránh bão tố mua lương thực và nhiên liệu, họ tìm đến khấn xin với Đức Mẹ. Bà con giáo dân trên đảo cũng thường xuyên lên núi viếng Mẹ.

VI. Ăn gì khi ở Côn Đảo

1. Quán cơm bình dân ở Côn Đảo

 + Quán cơm Thủy Tiên

+ Cơm tấm Thảo

+ Cơm bình dân Susu

+ Quán cơm 3 miền

2. Quán ăn bình dân

+ Quán Cây Bàng Đỏ

+ Quán ăn 707

+ Quán ăn 16

+ Quán Gia Hưng

+ Quán Gia Đình

+ Quán Bích Ngọt

+ Quán Tre

+ Quán ăn Út Triệu

+ Quán ăn Diễm

+ Quán Nhỏ Ơi

+ Quán Sang

+ Quán Infiniti

+ Quán ăn Anh Thy

+ Điền Sơn Quán

+ Quán nướng bình dân

+ Hello Quán

3. Quán ăn sáng

+ Bún bò Gia Khang

+ Bún riêu của Bà Hai Khiêm

+ Bún mực Hè Phố Quán

+ Bún mắm Thị Bích

+ Quán Phở Bắc Gia Truyền

4. Quán ăn vặt ở Côn Đảo

+ Quán chè 88

+ Quán Ốc Dũng Xề

+ Quán chè Thảo Liên

+ Ốc đêm Bình Nguyên

+ Bánh xèo, cháo vịt Kiều Tâm

5. Nhà hàng ăn uống ở Côn Đảo

+ Nhà hàng Co

+ Nhà hàng Thu Tâm

+ Nhà hàng Cánh Buồm

+ Nhà hàng Ớt

+ Nhà hàng Tri Kỷ

+ Nhà hàng Nam Dinh

+ Nhà hàng Tre Côn Sơn

+ Nhà hàng Thu Ba

+ Nhà hàng Chay Côn Đảo Healthy

+ Lẩu dê Biển Xanh

6. Nhà hàng hải sản

+ Nhà hàng hải sản Sang Tuyền Côn Đảo

+ Nhà hàng hải sản Côn Sơn Quán

+ Hải sản Nam Hải Côn Đảo

>>> Click để xem chi tiết địa chỉ và ảnh chụp view, không gian và món ăn tại các nhà hàng, quán ăn Côn Đảo ở trên nhé!

VII. Khách sạn, nhà nghỉ ở Côn Đảo

  1. Thiên Tân Star
  2. Côn Đảo Resort
  3. Côn Đảo Sea Travel Resort
  4. Nhà Nghỉ Trung Tiến
  5. Nhà nghỉ Tiến Tú
  6. Nhà nghỉ Thanh Long
  7. Khách sạn Đảo Côn Sơn
  8. Nhà nghỉ Thanh Ngọc
  9. Khách sạn Phi Yến
  10. Khách sạn Anh Đào
  11. Villa Maison
  12. Khu biệt thự khách sạn Sài Gòn – Côn Đảo
  13. Sài Gòn Côn Đảo Resort
  14. Khách sạn Tân An
  15. Khách sạn Hải An
  16. Khách sạn Q Songchi
  17. Nhà khách Côn Đảo
  18. ATC Resort Côn Đảo
  19. Khách sạn Red
  20. Khách sạn Khánh Linh
  21. Khách sạn Six Sense Côn Đảo
  22. Homestay Ngọc Hoa
  23. Khu nghỉ dưỡng Việt Nga
  24. Poulo Condor Boutique Resort & Spa
  25. Nhà nghỉ Ba Đoàn
  26. Nhà nghỉ Minh Minh
  27. San Hô Xanh Côn Đảo Resort
  28. Tân Sơn Nhất Côn Đảo Resort
  29. Côn Đảo Sea Travel Resort

VIII. Quán cafe ở Côn Đảo

  1. Cafeteria Lò Vôi
  2. Cafe Thanh Ngân
  3. Cafe Thủy Trúc
  4. Cafe NT’s
  5. Cafe Sân Vườn Cây Dừa
  6. Cafe Côn Sơn
  7. Cafe Havana
  8. Cafe Biển 2
  9. Cafe Hằng
  10. Cafe Ngọc
  11. Cafe Lacasa
  12. Cafe 678
  13. Cafe Giọt Đắng
  14. Cafe Ba Lê
  15. Cafe Chí Linh
  16. Cafe Ngộ
  17. Cafe 102
  18. Cafe Paris
  19. Cafe Sân vận động
  20. Cafe Phiên khúc
  21. Cafe Le-ki-ma
  22. Cafe Số 4 Nguyễn An Ninh Côn Đảo
  23. Cafe Bảo Lộc
  24. Cafe Russian Food

IX. Quán Karaoke, bar ở Côn Đảo

  1. Soleil Art Music Bar
  2. Bar 200
  3. Rainbow Bar

Côn Đảo tuy nhỏ mà lớn, với chừng ấy thứ ở trên, có lẽ bạn không thể khám phá hết Côn Đảo chỉ trong một chuyến đi được.

Nếu chưa từng đến Côn Đảo, tôi khuyên bạn nên đến đây ít nhất 1 lần trong đời, để được thấy nhịp tim của mình chợt lặng đi một tiếng, vì vẻ đẹp quá đỗi nguyên sơ của Côn Đảo, và cũng vì quá đau thương, xót xa trước những câu chuyện kể về những người anh hùng liệt sĩ kiên trung, đã hi sinh xương máu, thanh xuân và tất cả những gì tốt đẹp nhất của cuộc đời để giành lại tự do, độc lập cho đất nước.

>>> Check ngay chùm tour du lịch Côn Đảo trọn gói tháng 9 giá chỉ từ 3550k với lịch trình tour Côn Đảo cực hấp dẫn của Cattour


Xem thêm: kinh nghiệm quán ăn khách sạn

Quay về trang trước Lên đầu trang

Tin cùng chuyên mục